Phong tục thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là tục lập bàn thờ người thân đã mất ở nhà và cúng bái hàng ngày hoặc trong những dịp sóc vọng, giỗ, Tết... Nhiều người Việt Nam, ngoài tôn giáo của mình thường có thờ cúng cả tổ tiên. Đối với người Việt, Phong tục thờ cúng tổ tiên gần như trở thành một thứ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên trong nhà, nhưng không phải là một tôn giáo mà là do lòng thành kính của người Việt đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ.Đây là một tín ngưỡng rất quan trọng và không thể thiếu trong phong tục Việt Nam, và là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục đã viết:
“ | Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người. | ” |
Trong nhóm Kitô giáo thì người Công giáo Việt Nam vẫn có lập nơi tưởng nhớ tổ tiên (tạm gọi là bàn thờ) với những nghi thức theo truyền thống dân tộc, nhưng họ không xem đó là hình thức tôn thờ mà là tôn kính; trái lại, nhiều người Tin Lành không làm như vậy mà họ chỉ treo di ảnh tưởng nhớ.
Quan niệm
Phong tục thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ niềm tin cho rằng linh hồn của người đã khuất vẫn còn hiện hữu trong thế giới này và ảnh hưởng đến đời sống của con cháu. Người Việt cho rằng chết chưa phải là hết, tuy thể xác tiêu tang nhưng linh hồn bất diệt và thường ngự trên bàn thờ để gần gũi, giúp đỡ con cháu, dõi theo những người thân để phù hộ họ khi nguy khó, mừng khi họ gặp may mắn, khuyến khích họ làm những điều lành và cũng quở phạt khi họ làm những điều tội lỗi, do đó cũng ảnh hưởng đến hành động và cách cư xử của những người còn sống trong gia đình, họ thường tránh làm những việc xấu vì sợ vong hồn cha mẹ buồn, đôi khi muốn quyết định việc gì đó cũng phải cân nhắc xem liệu khi còn sinh tiền thì cha mẹ có đồng ý như thế hay không. Họ cũng tin rằng dương sao thì âm vậy, khi sống cần những gì thì chết cũng cần những thứ ấy, cho nên dẫn đến tục thờ cúng,] với quan niệm thế giới vô hình và hữu hình luôn có sự quan hệ liên lạc với nhau và sự thờ cúng chính là môi trường trung gian để 2 thế giới này gặp gỡ.
Ngoài ra, hình thức thờ cúng tổ tiên còn là biểu hiện của lòng hiếu thảo và nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của tiền nhân, nhớ đến cội nguồn của mình, đồng thời cũng là nền tảng cơ sở cho quan hệ gia đình.